Thất bại 1-2 của tuyển Việt Nam trước tuyểnThái Lan thiếu nhiều t[…]
Tiền vệ 21 tuổi Văn Trường (trái) ở trận thua Thái Lan ở LPBank Cup 2024. Anh ít được thi đấu ở CLB Hà Nội – Ảnh: HOÀNG TÙNG
Không chỉ có hệ thống giải đấu chuyên nghiệp chất lượng, Thái Lan còn vừa thành lập giải đấu PEA U23 Youngster League 2024 nhằm giúp các cầu thủ trẻ có nhiều cơ hội thi đấu hơn nữa. Đây là điều mà bóng đá Việt Nam phải suy nghĩ, khi các cầu thủ trẻ của mình ít có cơ hội thi đấu ở V-League.
Chiến lược đáng gờm của Thái Lan
PEA U23 Youngster League 2024 khởi tranh vào ngày 18 và 19-9 tới với sự tham dự của 8 CLB: Buriram United, True Bangkok United, Port FC, Nongbua Pitchaya FC, Rayong FC (cùng của Thái League 1), Chonburi FC, Suphanburi FC và Pattaya United (cùng Thái League 3).
Cầu thủ thi đấu phải dưới 23 tuổi (tính đến năm đăng ký), có quốc tịch Thái Lan và chưa từng đăng ký với bất kỳ CLB nào khác trong các giải đấu do LĐBĐ Thái Lan (FAT) tổ chức. 8 CLB sẽ thi đấu vòng tròn hai lượt tính điểm, theo thể thức sân nhà – sân khách. Mùa giải đầu tiên sẽ có 56 trận đấu, mỗi CLB sẽ thi đấu 14 trận.
Hầu hết các trận đấu sẽ được diễn ra vào giữa tuần, một số trận đấu sẽ diễn ra vào cuối tuần nếu ngày thi đấu trùng với dịp FIFA Days. Đội chiến thắng sẽ nhận được cúp và tiền thưởng vô địch. Ba đội xếp từ thứ 2 đến 4 cũng nhận được phần thưởng. Ngoài ra, FAT cũng hỗ trợ chi phí đi lại cho các CLB khi thi đấu sân khách.
Phát biểu về việc thành lập giải đấu, bà Madam Pang – chủ tịch FAT nói: “Tôi tin rằng U23 Thái League sẽ là một sân chơi quan trọng giúp cầu thủ trẻ Thái Lan có những trận đấu để phát triển và mở rộng tiềm năng của mình. Giải còn mang lại lợi ích cho đội tuyển quốc gia bởi họ sẽ trở thành lực lượng quan trọng, giúp tuyển Thái Lan có nhiều lựa chọn hơn trong tương lai”.
Chúng ta thì sao?
Giải vô địch quốc gia mạnh sẽ là nền tảng cho đội tuyển quốc gia. Giải đấu cao nhất Thái League 1 có 16 CLB tham dự. Thái League 2 có 18 đội. Thái League 3 ra đời năm 2017 với 29 CLB tham dự (chia làm hai nhóm thi đấu) và đến mùa giải 2024-2025 đã có đến 69 đội tranh tài (chia làm 6 nhóm).
Trong khi đó, V-League có 14 CLB tham dự. Giải hạng nhất năm nào cũng có đội bỏ giải, và mùa 2024-2025 là 11 đội sau khi tân binh Định hướng Phú Nhuận bỏ giải. Giải hạng nhì có 14 CLB. Đây là mô hình tháp ngược với khu vực và thế giới. Vì vậy, nó khó có thể thúc đẩy một nền bóng đá phát triển.
Thêm vào đó, các cầu thủ trẻ có rất ít cơ hội thi đấu ở V-League. Những cầu thủ U23 thành danh cũng chỉ có số lượng trận ra sân đếm trên đầu ngón tay. Đó là lý do HLV Philippe Troussier trước đây hay Kim Sang Sik hiện tại muốn trao cơ hội cho cầu thủ trẻ ở tuyển Việt Nam cũng khó kỳ vọng có sự đột phá.
Trên thực tế, bóng đá Việt Nam cũng muốn tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ phát triển. Nhưng những quy định đưa ra ở V-League đều không thể thực hiện một cách tốt nhất. Chẳng hạn quy định các CLB phải đăng ký 3 cầu thủ U22 ở V-League 2023-2024 cũng chỉ là sự đối phó từ chính các CLB tham dự khi đôn cầu thủ trẻ lên đội 1 hoặc mượn về cho đủ mà không dùng đến.
Sau lứa Công Phượng, Quang Hải, Duy Mạnh…, bóng đá Việt Nam đã không giới thiệu được lứa cầu thủ mới chất lượng nào. Đầu tiên là do chất lượng đào tạo trẻ. Nhưng quan trọng nhất là các tài năng trẻ đều không có nhiều cơ hội thi đấu để trưởng thành. Ở trận thua Thái Lan 1-2 mới đây, các cầu thủ trẻ Thái Lan đã chơi hay hơn nhiều các cầu thủ thành danh của Việt Nam đã cho thấy rõ chất lượng đào tạo giữa hai nền bóng đá.
29 năm qua kể từ năm 1995, tuyển Việt Nam chỉ thắng Thái Lan 3 lần, để thua đến 18 và hòa 8. Vượt Thái Lan đã là câu chuyện không đơn giản chứ đừng nói đến giấc mơ World Cup. Đó chính là đòi hỏi phải thay đổi của bóng đá Việt Nam.
7m là một trang web chuyên cung cấp thông tin về bóng đá và các môn thể thao khác, đặc biệt là kết quả trực tiếp và tường thuật chi tiết các trận đấu tại 7m-7m.